Tin Công Thương: VEAM, 9 tháng lợi nhuận sau thuế đạt 7.565 tỷ đồng

Theo BÁO CÔNG THƯƠNG: Theo công bố thông tin ngày 15/10 vừa qua thì lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam –CTCP (VEAM-với mã chứng khoán VEA) có lợi nhuận sau thuế đạt 7.565 tỷ đồng đạt 112% so với kế hoạch đề ra.
 

Trước ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước, 9 tháng đầu năm 2020 nhiều chỉ tiêu của VEAM đã bị giảm sút cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 220,9 tỷ đồng đạt 42% so với kế hoạch, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 318,4 tỷ đồng tương đương với 27% so với kế hoạch, riêng doanh thu tài chính đạt 7.674 tỷ đồng đạt 101% so với kế hoạch. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VEAM đã đạt 7.565 tỷ đồng đạt 112% so với kế hoạch. Doanh thu tài chính và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2020 của VEAM chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và lợi nhuận, cổ tức được chia tại các công ty có vốn góp của VEAM (phần lợi nhuận này chưa bao gồm trích lập dự phòng và các khoản phải thu).

Đầu tư tài chính dài hạn, hoạt động này chỉ chiếm 1/4 vốn điều lệ của VEAM nhưng đóng góp tới 90% lợi nhuận toàn tổng công ty. Trong số này, đầu tư tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả cao nhất như; Honda Việt Nam, Toyota tiếp theo là các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có hiệu quả cao nhưng số vốn đóng góp của VEAM chỉ có từ 51-55% như FUTU1, FOMECO… trong khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp chiếm số vốn khá lớn của VEAM nhưng lại bị thua lỗ kéo dài.

 

5322-veam

Tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020 của VEAM gặp nhiều khó khăn


Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt thấp bên cạnh nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì còn do kết quả tiêu thụ sản phẩm tồn kho của Nhà máy ô tô VEAM vẫn tiếp tục gặp khó khăn và định hướng sản phẩm mới.

Trong khi Nhà máy Đúc VEAM luôn là điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM thì 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt 13,1 tỷ đồng đạt 62% so với kế hoạch về lợi nhuận, doanh thu đạt 111,2 tỷ đồng, đạt 51% so với kế hoạch.Tuy nhiên doanh thu tài chính của đơn vị này vẫn đạt khoảng 6,6 tỷ đồng tăng 56% so với 9 tháng đầu năm 2019 và đạt 78% kế hoạch năm 2020, đóng góp lớn vào mục tiêu lợi nhuận của Nhà múc đúc VEAM.

Đối với các công ty con, kết quả thực hiện chung của nhóm các công ty này hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên nhóm 4 công ty con gồm DISOCO, SVEAM, FUTU1 và FOMECO vẫn là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp gần 80% doanh thu của nhóm các công ty con. Cụ thể DISOCO doanh thu đạt 481,5 tỷ đồng đạt 75% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 32,5 tỷ đồng đạt 87% so với kế hoạch. Trong khi đó FUTU1 giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ đạt 70% kế hoạch năm và tính hết 9 tháng thì lợi nhuận của công ty chỉ đạt khoảng 20,1 tỷ đồng. Như vậy khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay của FUTU1 là rất khó khăn…

Cũng trong bối cảnh chung này hoạt động của các công ty liên kết cũng gặp nhiều khó khăn và không đạt mục tiêu mà kế hoạch đề ra khi mà so với kế hoạch năm thì giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm các công ty này chỉ đạt 37%, doanh thu đạt 51%. Kết quả các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp chủ yếu là của Công ty Cơ khí An Giang, Công ty Cơ khí Vinh. Lợi nhuận nhìn chung vẫn lỗ hưng số lỗ đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 6,6 tỷ đồng).

Nhóm các công ty liên doanh như: Honda, Toyota,Ford luôn là những đối tác mang lại lợi nhuận lớn cho VEAM thì 9 tháng đầu năm nay các chỉ tiêu đều không đạt kế hoạch cụ thể, Toyota sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 73%, Ford là 65% và Honda đạt 69%. Sản lượng tiêu thụ giảm đã khiến cho hoạt động của các công ty phụ trợ cũng sụt giảm theo.

Mục tiêu 3 tháng cuối năm 2020 bên cạnh việc công ty mẹ sẽ tìm mọi phương án để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn đọng ở Nhà máy ô tô VEAM cũng như xe Changan. Đối với các công ty con và công ty thành viên tiếp tục tìm kiếm thị trường để tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chủ động việc nghiên cứu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và nhân lực theo hướng hiệu quả.

Thu Hường - BÁO CÔNG THƯƠNG

Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
VEAM - DẤU ẤN 30 NĂM PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY (12/5/1990 - 12/5/2020) (30/05/2020)
VEAM TIẾP TỤC THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP (01/06/2020)
Đại hội Đảng bộ cơ quan VEAM nhiệm kỳ 2020-2025: Phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung dân chủ, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp (17/06/2020)
Đại hội Đảng bộ VEAM nhiệm kỳ 2020-2025: Đoàn kết, đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp (17/06/2020)
Quay lại Xem tiếp