GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY (12/5/1990 - 12/5/2020)

VEAM dự kiến đạt lợi nhuận 6.700 tỷ đồng năm 2020


Đây là thông tin được Ban lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) chia sẻ tại buổi gặp mặt các thế hệ lãnh đạo tổng công ty qua các thời kỳ nhân kịp kỷ niệm 30 năm thành lập (12/5/1990-12/5/2020), vào sáng ngày 29/5, tại Hà Nội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, trước tình hình đó, Ban lãnh đạo VEAM đã quyết định tổ chức gặp mặt nội bộ với các cán bộ nguyên là lãnh đạo của tổng công ty qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các công ty thành viên.

 
veam du kien dat loi nhuan 6700 ty dong nam 2020
Ông Bùi Quang Chuyện phát biểu tại chương trình gặp mặt


Phát biểu tại chương trình gặp mặt, ông Nguyễn Khắc Hải - quyền Tổng giám đốc VEAM - chia sẻ, chương trình là dịp để CBCNV VEAM nhìn lại chặng đường đã qua của tổng công ty, qua đó cùng chia sẻ, trao đổi về định hướng, con đường phát triển của VEAM trong những chặng đường tiếp theo. Đồng thời cũng là dịp để chúng tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các cá nhân, đơn vị đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của tổng công ty”.

Có thể khẳng định, 30 năm chưa phải là thời gian dài cho sự xây dựng và trưởng thành của một doanh nghiệp nhưng đây là giai đoạn quan trọng để một doanh nghiệp từng bước khẳng định mình nhất là đối với VEAM được hình thành, xây dựng và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đất nước từng bước mở cửa và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT VEAM - khẳng định: Sự hình thành của VEAM đã đánh dấu, đặt nền móng cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng như từng bước khẳng định vị thế những sản phẩm máy móc, động cơ nông ngư nghiệp "made in Vietnam”. Giờ đây những sản phẩm đó không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với doanh thu trung bình khoảng trên 10 triệu USD/năm. Nhiều công ty con của VEAM đã tự tin tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành những nhà cung cấp linh kiện cho các công ty đa quốc gia tại Việt Nam và trên thế giới.

“Đặc biệt, đối với máy nông ngư nghiệp mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm thị trường, 10 triệu USD doanh thu xuất khẩu không phải lớn so với nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam nhưng nó đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực vượt khó của ngành cơ khí Việt Nam, con số trên hàm chứa về chất xám, về công nghệ chế tạo máy của chúng ta”, ông Bùi Quang Chuyện chia sẻ.

veam du kien dat loi nhuan 6700 ty dong nam 2020

Là người tâm huyết với ngành cơ khí, luyện kim và chế tạo máy của Việt Nam và có hơn 30 năm gắn bó với VEAM, ông Ngô Văn Tuyển - nguyên quyền Tổng giám đốc VEAM - không khỏi bùi ngùi xúc động khi nói về những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp của VEAM đang phải đối mặt. “Trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thì công nghệ là nền tảng, đối với VEAM công nghệ đúc trong những năm qua đã từng bước được đầu tư nhưng công nghệ rèn thì vẫn phải sản xuất các sản phẩm trên những máy móc thiết bị có từ 40 năm trước”.

“Tôi rất bức xúc khi có những tờ báo giật tít hoặc viết “VEAM ngồi mát ăn bát vàng”, chúng ta hãy nhìn xem trên thị trường chứng khoán có bao nhiêu công ty cơ khí, ô tô làm ăn có lãi. Vốn nhà nước đang có ở VEAM là hơn 13.000 tỷ đồng và tính đến năm 2019 VEAM đã nộp cho nhà nước khoảng 19.000 tỷ lợi nhuận và dự kiến đến hết năm 2020 là khoảng 25.000 tỷ. Năm 2017 và 2018, lợi nhuận của VEAM mỗi năm đều đạt trên 5.000 tỷ, năm 2019 doanh thu hợp nhất của VEAM đạt trên 5.000 tỷ (không bao gồm doanh thu của đơn vị liên doanh) nhưng lợi nhuận đạt trên 7.000 tỷ đồng. Điều đó chứng minh sự cố gắng nỗ lực của tập thể những CBCNV đã và đang phải “vật lộn” với cơ chế, thị trường để bảo toàn nguồn vốn của nhà nước và hoàn thành các cam kết lợi nhuận với các cổ đông”, ông Ngô Văn Tuyển chia sẻ.

Cũng theo ông Ngô Văn Tuyển, những khó khăn của các công ty trong lĩnh vực cơ khí là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực máy nông nghiệp. VEAM muốn hỗ trợ vốn cho các công ty con của mình đang gặp khó khăn trong lĩnh vực này như: TAMAC và Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng không được phép do Nhà nước chi phối phần vốn… điều này càng làm khó khăn thêm cho hoạt động sản xuất máy, động cơ nông ngư nghiệp của VEAM nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết của tập thể CBCNV tổng công ty, năm 2020 dự kiến lợi nhuận VEAM sẽ đạt khoảng 6.700 tỷ đồng.

Buổi gặp mặt cũng đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp đến từ các cán bộ nguyên là lãnh đạo tổng công ty qua các thời kỳ, các ý kiến đều mong muốn VEAM sẽ tiếp tục duy trì các mảng sản xuất chính như: Máy nông nghiệp, chế tạo động cơ, công nghiệp hỗ trợ thì tổng công ty cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu từ công ty mẹ, công ty con với phương châm “Khai thác có hiệu quả cao nhất, mời các doanh nghiệp bên ngoài tham gia góp vốn - công nghệ - công tác quản trị doanh nghiệp”.

Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng quản trị cùng Ban lãnh đạo VEAM đã ban hành hơn 20 quy chế về quản lý vốn, tài sản, tiền lương… cùng hơn 100 văn bản, nghị quyết nhằm nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp.

Nguồn: Thu Hường - Báo Công Thương

Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Veam: Hội nhập và cạnh tranh (14/01/2016)
VEAM: Tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh (31/08/2018)
Áp dụng thành công Kaizen: Doanh nghiệp thu lợi lớn (22/07/2019)
Tập trung xử lý hàng tồn kho, cân nhắc dự án đầu tư hiệu quả (16/08/2019)
VEAM - 30 NĂM ĐỔI MỚI CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
Xem tiếp