Áp dụng thành công Kaizen: Doanh nghiệp thu lợi lớn
 
Tại Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng triết lý Kaizen.
 
Hơn 5 tỷ đồng giá trị tăng thêm là số tiền Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có được trong năm 2018 nhờ phong trào Kaizen.
 
Áp dụng Kaizen đã mang lại những thay đổi cơ bản cho doanh nghiệp như tại Công ty TNHH MTV Động cơ & Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM), đơn vị này đã đầu tư dây chuyển FMS với tổng chi phí hơn 50 tỷ đồng của hãng DMG Mori. Tuy nhiên, theo quy trình công nghệ của công ty đặt hàng công nghiệp hỗ trợ là Công ty Juki (Nhật Bản) đưa ra thì chỉ có thể sản xuất với sản lượng 900 bộ sản phẩm thân máy khâu Juki/tháng (sản xuất 3 ca). Với sản lượng như vậy sẽ không đủ khấu hao đầu tư dây chuyền FMS này.
 
 Lãnh đạo VEAM báo cáo về áp dụng Kaizen
 
Công ty SVEAM đã có cải tiến liên tục nhằm thay đổi quy trình công nghệ gia công mà phía công ty đặt hàng đưa ra. Đến nay, đã đạt sản lượng 1.700 bộ thân máy khâu Juki/1tháng trên dây chuyền FMS đảm bảo đủ khấu hao và có lãi. Trong năm 2019, SVEAM đặt ra mục tiêu sản xuất 2.000 bộ thân máy khâu Juki/1 tháng (3 ca sản xuất). Đây là một trong những hiệu quả lớn mà Kaizen mang lại.
 
Trong khi đó, Nhà máy Đúc VEAM từ tháng 8/2018 đã cải tiến các khâu xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải, cải tiến phần xuất nhập hàng thành công để giúp đưa dây chuyền đúc tự động mới được đầu tư đi vào hoạt động hết công suất làm 3 ca/ngày, đáp ứng sản xuất hàng cho xuất khẩu cho Công ty Hyosung (Hàn Quốc). Công ty đã triển khai áp dụng các quy định về an toàn lao động, môi trường, đồng thời đưa vào cải tiến để xử lý xỉ thải sau đúc, trong đó 1 phần được sử dụng làm gạch không nung và một phần được tái sử dụng làm khuôn đúc cát tươi bán tự động, ước tính sơ bộ hàng năm, Kaizen này đã làm lợi hàng tỷ đồng cho Nhà máy Đúc VEAM…
 
Tại xi măng Nghi Sơn, với 18 năm thấm nhuần tinh thần Kaizen Nhật Bản, Xi măng Nghi Sơn hiện là một trong những thương hiệu nổi bật trên thị trường. Ông Hideaki Asakura – Tổng giám đốc Công ty Xi Măng Nghi Sơn nhìn nhận: “Với tinh thần Kaizen, Nghi Sơn sản xuất và cung cấp dịch vụ theo định hướng thị trường, lấy tiêu chí đáp ứng nhu cầu của khách hàng làm nguyên tắc hàng đầu và biến trong quản trị doanh nghiệp. Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc này, Nghi Sơn tập trung cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng”.
 
  Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công nhờ áp dụng triết lý Kaizen
 
Ông cũng cho hay, quản lý ở Nghi Sơn theo tinh thần Kaizen mang những đặc điểm nổi bật như nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến điều kiện làm việc, phát huy hoạt động của từng bộ phận, thu thập và truyền tải thông tin hai chiều từ lãnh đạo đến nhân viên.
 
Hay sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kazen, Công ty Cổ phần May Nam Hà đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
 
Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phát triển nhờ áp dụng triết lý Kaizen. Tiên phong trong việc áp dụng triết lý Kaizen là Toyota – Tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản thành lập vào năm 1937 và ngày nay được coi là công ty lớn thứ 13 trên thế giới về doanh thu Kaizen là một phần thiết yếu của Toyota và hệ thống sản xuất của họ.
 
Nestlé S.A. – một công ty đa quốc gia chuyên về thực phẩm và đồ uống của Thụy Sỹ. Đây là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới tính về doanh thu, và được xếp hạng thứ 72 trong danh sách Fortune Global 500 vào năm 2014. Sản phẩm của công ty bao gồm thức ăn trẻ em, thực phẩm y tế, nước đóng chai, ngũ cốc, cà phê, trà, bánh kẹo, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm vật nuôi và đồ ăn nhẹ.
 
Giảm thiểu lãng phí là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của Nestle trong mọi hoạt động, trong đó vai trò của sản xuất tinh gọn và Kaizen ngày càng trở nên quan trọng. Tại Nestle, Kaizen đảm bảo rằng cải tiến liên tục là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả mọi người. Theo Kaizen, kể cả những sự cải tiến nhỏ nhất cũng cần được thực hiện bởi vì sau này chúng có thể tạo nên một hiệu quả lớn. Ví dụ: Để tìm xem nhà máy hiện tại có thể cải thiện được ở đâu, Nestlé Waters đã sử dụng nhiều kỹ thuật, chẳng hạn như Sơ đồ Chuỗi giá trị (VSM) – một kỹ thuật cho thấy những luồng nguyên liệu và dòng thông tin cần thiết đối với việc đưa sản phẩm hoàn thiện tới tay người tiêu dùng. Một quy trình như vậy giúp đảm bảo quá trình vận hành của họ trở nên ngày càng hiệu quả.
 
Lockheed Martin là một công ty Hoa Kỳ chuyên về công nghệ tiên tiến, hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh, hoạt động với quy mô toàn cầu. Công ty này rất tích cực ủng hộ Kaizen. Thông thường thì không ai áp dụng nguyên tắc tinh gọn vào việc sản xuất máy bay quân sự. Tuy nhiên, vào năm 1998, Lockheed Martin được tạp chí Industry Week xếp vào “Top 10 Nhà máy sản xuất”. Từ năm 1992 tới 1997, công ty này đã đạt được rất nhiều cải tiến đáng kể, đó là chi phí sản xuất giảm 38%, hàng tồn kho giảm 50%, tỷ lệ khiếm khuyết chỉ còn bằng 3,4/một máy bay, thời gian vận chuyển giảm từ 42 tháng xuống còn 21,5 tháng. Nhờ việc áp dụng Kaizen, vào năm 2000, công ty đã được trao tặng giải thưởng Shingo về Hoạt động xuất sắc trong Sản xuất. Trong giai đoạn này, một dự án Kaizen về lĩnh vực quản lý nguyên vật liệu đã giúp công ty cắt giảm thời gian vận chuyển nguyên liệu vào kho từ 30 ngày xuống còn 4 giờ.
 
Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Veam: Hội nhập và cạnh tranh (14/01/2016)
VEAM: Tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh (31/08/2018)
Tập trung xử lý hàng tồn kho, cân nhắc dự án đầu tư hiệu quả (16/08/2019)
VEAM - 30 NĂM ĐỔI MỚI CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
VEAM - DẤU ẤN 30 NĂM PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
Xem tiếp