VEAM - 30 NĂM ĐỔI MỚI CÙNG ĐẤT NƯỚC

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP ( VEAM) tiền thân là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp được thành lập vào ngày 12/5/1990 theo Quyết định số 153-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

 Ngày 12/5/2020 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập, là một tổng công ty 90 hoạt động theo quy chế liên hiệp sản xuất kinh doanh và trưởng thành trong bối cảnh những năm đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, VEAM đã từng bước trở thành một doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp–công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch HĐQT VEAM xung quanh nội dung trên.

Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vừa mở cửa, vậy VEAM đã tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa ông?

veam 30 nam doi moi cung dat nuoc
Ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty

Ngày 12/5/1990, VEAM được thành lập theo Quyết định số 153-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và hoạt động theo quy chế của liên hiệp sản xuất kinh doanh với 15 đơn vị thành viên là các nhà máy cơ khí chuyên sản xuất phụ tùng máy nông nghiệp và các phương tiện vận tải cùng 01 viện nghiên cứu chế tạo máy.

Trong giai đoạn đầu (1990-2000), VEAM đã có một dấu mốc quan trọng khi vừa củng cố các đơn vị thành viên, vừa xúc tiến hợp tác liên doanh với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy. VEAM đã lần lượt góp 20% vốn tại Công ty Mekong Auto (năm 1991) 30% vốn tại Công ty Honda Việt Nam (năm 1996), 20% vốn tại Công ty Toyota Việt Nam. Ngoài ra, giao công ty thành viên Disoco góp 25% vốn tại Công ty Ford Việt Nam (năm 1995). Chính nhờ sự hợp tác liên doanh này mà ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước VEAM đã có lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh.

Có thể khẳng định giai đoạn này là thời kỳ hết sức quan trọng, VEAM đặt nền móng cho sự phát triển bằng các hoạt động liên doanh với các nhà sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu thế giới và bước đầu tạo được sự gắn kết, hợp tác giữa các đơn vị trong cùng một Tổng Công ty. oạt động sản xuất, kinh doanh của VEAM thực sự đã “ thay da đổi thịt” sau khi Luật doanh nghiệp số 13/1999/QH10 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 1/2000.

Sự tiếp nối các giai đoạn tiếp theo đã kế tục và phát huy những nền tảng của giai đoạn trước đây, thu được thành quả đáng khích lệ. Trong 30 năm qua, VEAM đã đóng góp trên 15.000 tỷ đồng vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp.

Cụ thể sự thay đổi đó đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, giai đoạn 2003-20 hầu hết các doanh nghiệp thuộc VEAM đã chuyển đổi thành các công ty TNHH Nhà nước một thành viên và tiếp đã chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Đây cũng là thời gian VEAM thúc đẩy trực tiếp đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh bằng hàng loạt các quyết định đầu tư như: Nhà máy Gang Bắc Kạn với vốn đầu tư ban đầu khoảng 22 tỷ đồng sau đó tăng lên 34 tỷ đồng; Nhà máy sắn Yên Thành đầu tư hơn 14 tỷ đồng; Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa đầu tư gần 700 tỷ đồng …

Bên cạnh đó, nhiều công ty thành viên của VEAM đã tăng nhanh quy mô doanh thu trong sản xuất công nghiệp trên 100 tỷ đồng trong năm 2009 và thành công trong đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: DISOCO (345 tỷ đồng), FUTU1 (392) tỷ đồng), FOMECO ( 176 tỷ đồng) và trong lĩnh vực máy nông nghiệp là SVEAM (489 tỷ đồng), Cơ khí An Giang ( 115 tỷ đồng). Lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì có Matexim (1.330 tỷ đồng), Vetranco ( 453 tỷ đồng)…

Một mốc son quan trọng của VEAM đó là ngày 24/1/2017, công ty mẹ VEAM chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 88,47%. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của giai đoạn trước (công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước) VEAM cũng đã từng bước tái cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Khoảng thời gian này VEAM đã có một sự chuyển biến rõ nét về hiệu quả hoạt động của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên khi mà nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh thu không ngừng tăng cao như năm 2018 DISOCO đạt 740 tỷ đồng, FUTU1 đạt 905 tỷ đồng, FOMECO 866 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số công ty thương mại, dịch vụ và các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động cơ, máy nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị thua lỗ.

veam 30 nam doi moi cung dat nuoc
Thư trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thăm gian hàng VEAM tại triển lãm

Mặc dù các doanh nghiệp hoạt động có nhiều thăng trầm, nhưng VEAM đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Có thể khẳng định trong 30 năm qua VEAM đã có nhiều đóng góp cho sự thúc đẩy và hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Thông qua quá trình hợp tác của các đối tác liên doanh, các doanh nghiệp đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, chủ động được nguồn lực và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quy mô, doanh thu của VEAM cũng nhờ đó mà không ngừng tăng lên đặc biệt là trong 10 năm gần trở lại đây, tổng doanh thu tài chính năm 2010 của VEAM mới chỉ đạt 891,8 tỷ đồng thì đến năm 2019 đạt 7.824.tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đến hết năm 2019 đạt 31.044 tỷ đồng tăng nhiều lần so với khi thành lập.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển của mình, công tác quản lý của VEAM cũng còn một số tồn tại đặc biệt là công tác điều hành hoạt động của Nhà máy VEAM ô tô và hoạt động kinh doanh thương mại mà nguyên nhân chính là một vài cá nhân chưa làm đúng quy định về công tác quản lý tài chính dẫn đến giảm lợi nhuận của VEAM.

Những bước đi tiếp theo của VEAM trong thời gian tới là gì thưa ông?

Thời gian tới VEAM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu (công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết; đồng thời đẩy mạnh công tác kiemr tra, giám sát quản lý chi phí, định hướng sản phẩm và phương án kinh doanh đối với các chi nhánh ty, công con và công ty liên kết.

Tiếp tục có giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường, tiếp tục tìm các phương án tiêu thụ lượng ô tô Euro 2 hiện đang tồn kho và một số sản phẩm máy nông nghiệp hiện đang còn tồn đọng. VEAM sẽ kiên quyết loại bỏ hoặc dừng các dự án đầu tư không hiệu quả, các dự án, chương trình đầu tư đã được phê duyệt được đánh giá mang lại hiệu quả sẽ được đẩy nhanh tiến độ nhằm tránh lãng phí do đầu tư kéo dài. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu hợp tác để phát triển đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường – Kiều Nga (Báo Công Thương)


Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY (12/5/1990 - 12/5/2020) (30/05/2020)
VEAM TIẾP TỤC THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP (01/06/2020)
Đại hội Đảng bộ cơ quan VEAM nhiệm kỳ 2020-2025: Phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung dân chủ, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp (17/06/2020)
Đại hội Đảng bộ VEAM nhiệm kỳ 2020-2025: Đoàn kết, đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp (17/06/2020)
Hành trình về nguồn của Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty VEAM (23/06/2020)
Quay lại Xem tiếp