(Báo Công Thương) Được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, hiện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã và đang là nhà cung cấp thiết bị, linh kiện phương tiện vận tải, máy móc công - nông nghiệp… cho nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới.
Góp phần hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Được thành lập từ năm 1990, hiện VEAM hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô. Trong đó phải kể đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã mang lại nguồn doanh thu ổn định cho doanh nghiệp, góp phần vào hình thành, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Các đơn vị của VEAM đã tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ trong hơn 20 năm nay.
Dây chuyền lắp ráp xe tải.
Ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài, các yêu cầu nội địa hóa đã được đặt ra với mong muốn có một bền công nghiệp chế tạo thực sự tại Việt Nam. Yêu cầu nội địa hóa thậm chí đã được ghi rõ trong các giấy phép đầu tư. Từ đây các đơn vị của VEAM như: FUTU1, DISOCO, FOMECO với về dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo, ngay từ cuối những năm 90 đã kịp thời đón bắt được thời cơ, chuẩn bị nhanh các điều kiện cần thiết như: nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý, thiết bị dây chuyền công nghệ và bắt đầu tham gia sản xuất nội địa hóa các xe máy cho SYM… Các đơn vị này đã thành công khi trở thành nhà cung cấp nhiều loại linh kiện, chi tiết của sản phẩm xe máy như: Trục khuỷu (Crankshaft), Tay biên (Connecting Rod)… và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam như: HONDA, PIAGGIO, YAMAHA, SYM…
Đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất hỗ trợ cho công nghiệp ô tô – đây là một lĩnh vực rất khó nhưng VEAM vẫn chủ động tận dụng mọi cơ hội nội địa hóa. Thùng xe tải, các loại hộp số phụ được sản xuất tại Cơ khí chính xác số 1, Cơ khí Cổ Loa, Cơ khí Vinh nhằm khai thác những năng lực sản xuất phù hợp mà không phải đầu tư lớn.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM - ngoài các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của VEAM đã có uy tín, phẩm cấp, khả năng cạnh tranh để xuất khẩu trực tiếp hoặc cung cấp cho các nhà sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Trong các sản phẩm này, các loại sản phẩm đúc, rèn có ưu thế đặc biệt. Nhiều khách hàng và thương hiệu nổi tiếng như TOSHIBA, JUKI, ISEKI, SANKYO… đã lựa chọn các đơn vị của VEAM là những đối tác tin cậy, song hành lâu dài.
Thành công đó phải để đến những quyết sách mạnh mẽ và đúng hướng của ban lãnh đạo VEAM cùng các đơn vị thành viên khi mà doanh nghiệp ứng dụng mô hình chuyên môn hóa và hợp tác cao vào trong hoạt động sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Mô hình này còn lan tỏa và được áp dụng trong các sản phẩm truyền thống của VEAM như động cơ, máy kéo… Với sản lượng hàng chục ngàn chiếc/năm, khoảng cách địa lý giữa các đơn vị thành viên khá xa nhưng việc cung cấp các linh kiện đúc, rèn, gia công từ phía Bắc do DISOCO sản xuất cho SVEAM lắp ráp và tiêu thụ tại khu vực phía Nam và xuất khẩu vẫn đảm bảo hiệu quả cao hơn so với việc sản xuất khép kín theo khu vực. Các sản phẩm như máy kéo 2 bánh và nhiều loại máy móc khác của VEAM cũng đã chú trọng phát triển nhà cung cấp chuyên nghiệp. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tối ưu hóa chi phí đầu tư của các đơn vị thuộc VEAM.
Với việc chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ của VEAM tiếp tục giành được chỗ đứng trong nhiều ngành công nghiệp như: xe máy, động cơ, máy nông nghiệp, ô tô, khai thác mỏ. Nhờ đó đến nay, nhiều công ty sản xuất thuộc VEAM đã có qui mô doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, như DISOCO (650 tỷ đồng), FUTU1 (750 tỷ đồng), FOMECO (850 tỷ đồng)…
"Sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của VEAM đã được đầu tư và đáp ứng tối đa sản lượng xe máy của riêng khu vực FDI và đạt khoảng 3 triệu xe/năm. Đặc biệt là sản xuất các sản phẩm phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng hỗ trợ đã cung cấp hàng chục loại chi tiết với sản lượng hàng chục triệu linh kiện/năm cho HONDA Việt Nam, YAMAHA, SUZUKI, PIAGGIO, SYM…. các đơn vị thuộc VEAM đã cung ứng phụ tùng cho sản xuất xe máy, nâng cao giá trị thặng dư sản phẩm tổng thành trong chuỗi giá trị. Điều này đã đóng góp chủ yếu trong kết quả tăng trưởng ổn định và bền vững của VEAM”, ông Phan Phạm Hà cho biết.
Xác định để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì phải có nguồn cung cấp phôi ổn định, do vậy VEAM đã tập trung phát triển lĩnh vực đúc. Đây được xem là công nghệ nguồn của ngành cơ khí. Hiện VEAM có 4 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đúc, điển hình như Nhà máy Đúc VEAM sau gần 10 năm đi vào hoạt động trong lĩnh vực đúc công nghệ cao, đơn vị này đã nhận dược nhiều đơn hàng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… các sản phẩm của Đúc VEAM ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Cũng theo ông Phan Phạm Hà - để có được sản phẩm tổng thành tốt, đòi hỏi phải có một chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn về chất lượng, thời gian giao hàng và giá cả cạnh tranh, do vậy, VEAM đã giữ vai trò chủ đạo trong việc điều phối hợp tác nội bộ, giúp cho các đơn vị thành viên tận dụng được toàn bộ thế mạnh của mình về nhân lực và trang thiết bị công nghệ để từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết và giảm giá thành. Nhiều đơn vị đã nâng cao hệ thống quản lý để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng đối với phụ tùng ô tô, từ đó giúp nội địa hóa một phần các linh kiện ô tô của VEAM. Để thực hiện mục tiêu đó, VEAM đã hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tư vấn cho 2 đơn vị thành viên là DISOCO và FUTU1 để xây dựng IATF 16949:2016. Đến nay, cả 2 đơn vị đã đạt chứng nhận IATF 16949:2016. Hiện VEAM đang triển khai hỗ trợ cho các đơn vị phía Nam như SVEAM và Đúc VEAM.
Xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển của VEAM, thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được VEAM chú trọng đầu tư nâng cao năng lực, phấn đấu nhanh chóng giành được chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp sản xuất xe máy, động cơ, máy nông nghiệp và ngành công nghiệp ô tô.
Thu Hường - Báo Công Thương.
https://congthuong.vn/veam-thuc-day-nganh-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-156461.html