Sáng 20/6 tại Hà Nội, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Nỗ lực vượt khó
Thay mặt Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của HĐQT.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải trong năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ và các đơn vị thành viên tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những tác động khách quan bên ngoài, như: Sự bùng nổ trở lại đại dịch Covid-19 ở những tháng đầu năm, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid, chiến tranh Nga - Ucraina và những tồn tại, vướng mắc, sai sót từ nhiều năm trước để lại.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Hội đồng quản trị VEAM và Ban điều hành đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc và ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 và những ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố khách quan khác. Kết quả năm 2022, hoat động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã đạt được những thành quả ấn tượng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vượt 25% so với kế hoạch.
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phan Phạm Hà – Tổng Giám đốc VEAM cho biết: "Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty mẹ đạt 5.624,39 tỷ đồng, đạt 125% so với kế hoạch năm, doanh thu tài chính đạt 5.918 tỷ đồng tăng 10,8% so với kế hoạch năm 2022, lãi cơ bản /cổ phiếu (EPS) đạt tỷ lệ 42,32%".
Báo cáo của VEAM chỉ rõ, so với năm 2021, ngoại trừ các hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trở lại, các chỉ tiêu chính thực hiện của công ty mẹ đều sụt giảm từ 5-11% (doanh thu thương mại, dịch vụ giảm 57% song doanh thu bán hàng tính chung vẫn bằng 89% năm 2021).
Cũng theo Tổng Giám đốc Phan Phạm Hà, so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, công ty mẹ đã thực hiện vượt lần lượt 11%, 25% về doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế. Các hoạt động đầu tư tài chính tiếp tục được VEAM thực hiện tốt thông qua việc tối ưu dòng tiền cũng như quản lý vốn chặt chẽ tại các công ty có vốn góp VEAM. Tình hình tiêu thụ xe tại VEAM MOTOR không đạt như kỳ vọng nên doanh thu sản xuất chỉ đạt 91% kế hoạch. Việc tiêu thụ xe Changan và máy kéo ISEKI vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn cùng với các hoạt động kinh doanh vật tư còn hạn chế dẫn đến kết quả kinh doanh thương mại đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra.
Trong năm 2022, công ty mẹ tiếp tục tập trung vào các việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn; giải quyết hàng tồn kho, công nợ quá hạn...Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp, các công ty con đã duy trì hoạt động sản xuất ổn định... Nhờ đó, các công ty con tăng mạnh ở hầu hết các chỉ tiêu (ngoại trừ doanh thu thương mại). Đặc biệt lợi nhuận tăng mạnh do hoạt động sản xuất kinh doanh tại DISOCO, FUTU1, FOMECO đều đạt hiệu quả cao.
Tổng giám đốc Phan Phạm Hà báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2022
“Giá trị sản xuất công nghiệp của các công ty con đạt 3.453 tỷ đồng đạt 114% kế hoạch năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng đạt 227% kế hoạch năm 2022. Trong đó, nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp gần 80% doanh thu sản xuất công nghiệp của VEAM. Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu hợp nhất đều tăng cao so với năm 2021 nhất là lợi nhuận sau thế tăng 32% tương đương tăng 1.873 tỷ đồng về giá trị”- ông Phan Phạm Hà nói.
Trong khi đó, đối với các công ty liên doanh, thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua một năm sôi động với doanh số kỷ lục. Các liên doanh của VEAM như Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam thậm chí có mức tăng cao hơn mức tăng chung của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Toyota Việt Nam tăng mạnh tiêu thụ xe CBU trong khi Honda Việt Nam và Ford Việt Nam chủ yếu tăng tiêu thụ xe CKD.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu sản phẩm của VEAM tiếp tục bứt phá khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 49 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch năm, trong đó chủ yếu tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Nhiều đơn vị tiếp tục đóng góp lớn cho giá trị xuất khẩu như: FOMECO: 21,9 triệu USD, SVEAM: 8,8 triệu USD, DISOCO: 8,3 triệu USD, Công ty Đúc VEAM (VF): 4,4 triệu USD, FUTU1: 3,3 triệu USD...
“Một trong những điểm sáng của VEAM trong bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đó là hoạt động sản xuất nội bộ. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ban điều hành tổng công ty, các đơn vị thành viên của VEAM đã đẩy mạnh công tác hợp tác nội bộ và phát triển sản phẩm mới nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các đơn vị trong công tác đào tạo, xúc tiến thương mại…Giá trị hợp tác nội bộ năm 2022 của VEAM đạt trên 230 tỷ đồng”- Tổng Giám đốc Phan Phạm Hà chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó thu hồi công nợ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, điều này đã thể hiện sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự điều hành của Ban giám đốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM Nguyễn Khắc Hải cho biết:Trong thời gian qua, VEAM đã khai quyết liệt các biện pháp để thu hồi các khoản nợ quá hạn lâu năm khó đòi. Tổng công ty đã thành lập Ban thu hồi công nợ, qua đó, tổng nợ quá hạn thu hồi được trong năm 2022 đạt hơn 6 tỷ đồng.
“Hội đồng quản trị tiếp tục nâng cao công tác giám sát tài chính đặc biệt tại các công ty thua lỗ đồng thời tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ các năm trước như: Công tác thu hồi công nợ tại công ty mẹ; vướng mắc, tồn tại của Nhà máy Ô tô VEAM; các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh xe Changan và hoạt động của Chi nhánh Mekong Auto; việc tiêu thụ máy kéo ISEKI và các tồn tại, vướng mắc khác”- Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Hải cho hay.
Các nhiệm vụ trong thời gian tới
Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vị đạt 1.187,3 tỷ đồng, đạt 223% so với 2022, doanh thu tài chính đạt 6.579, 5 tỷ đồng đạt 111% so với 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 5.694 tỷ đồng đạt 101,2% so với 2022, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ đạt 42,85%.
Theo ông Phan Phạm Hà, VEAM đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp thông qua tiêu thụ các xe tồn kho lâu năm và tìm kiếm đối tác chiến lược, nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn khí thải Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ.
Dự kiến các hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của công ty mẹ sẽ tiếp tục đạt hiệu quả trong năm 2023 với doanh thu kỳ vọng tăng 11,2% so với năm 2022, nhưng do dự kiến sẽ trích lập một số khoản dự phòng nên lợi nhuận kỳ vọng chỉ tăng nhẹ 1,2%. Các khoản trích lập này chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây.
Ở góc độ quản trị, ông Nguyễn Khắc Hải khẳng định, năm 2023 VEAM tiếp tục tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc chính: Thu hồi công nợ quá hạn; xử lý giải quyết hàng tồn kho của Nhà máy ô tô VEAM; các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh xe Changan và hoạt động của Chi nhánh Mekong Auto; việc tiêu thụ máy kéo ISEKI và dự án máy kéo 4 bánh; hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài tại một số công ty con, công ty liên kết và các tồn tại, vướng mắc khác.
Bên cạnh đó, VEAM sẽ hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hoá một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của tổng công ty nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của tổng công ty trong tương lai, khắc phục tình trạng sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp của VEAM.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Đại hội cổ đông năm 2022 đã thông qua kế hoạch trên, nhưng trong năm 2022, tổng công ty chưa hoàn thành kế hoạch do chưa đáp ứng đầy đủ quy định về niêm yết.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông trích 4.692,124 tỷ đồng để chia cổ tức trong năm 2022, tương ứng tỷ lệ là 37,34% tiền mặt (3.734 đồng/cp), tỷ lệ lợi nhuận /cổ phiếu đạt 42,32%. Hiện tại, Bộ Công Thương đang sở hữu 88,47% vốn của VEAM, như vậy ước tính cổ đông nhà nước sẽ nhận về gần 4.390 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khó lường và bất ổn, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19, tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm của cán bộ, công nhân viên, so với kế hoạch năm 2022 đã được thông qua, công ty mẹ đã thực hiện vượt 11% về doanh thu tài chính, lợi nhận sau thuế thưc hiện năm 2033 đạt 5.624 tỷ đồng, đạt 125% so với kế hoạch năm. Các công ty con bằng nhiều biện pháp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất ổn định.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Tổng công ty VEAM cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, cân đối phù hợp các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của tổng công ty phù hợp vói bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và của ngành nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc chính của VEAM: Thu hồi công nợ, phương án giải quyết hàng tồn kho của Nhà máy Ô tô VEAM, phương án kinh doanh xe Changan và máy kéo ISEKI và các tồn tại, vướng mắc khác.
Thứ ba, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, tạo động lực để người lao động phấn đấu, gắn bó lâu dài với tổng công ty.
Thứ tư, khẩn trương thực hiện việc quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định của pháp luật. Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VEAM phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị tổng công ty giữ vững tốc độ tăng trưởng, phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, tiến tới tương lai, hội nhập toàn diện.
VEAM.