Tập trung xử lý hàng tồn kho, cân nhắc dự án đầu tư hiệu quả

(Nguồn Báo Công thương: 
https://congthuong.vn/ta-p-trung-xu-ly-ha-ng-to-n-kho-can-nha-c-du-a-n-da-u-tu-hie-u-qua-123755.html 

 
 
Làm việc với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)- Công ty Cổ phần- vào sáng 13/8/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể giải quyết lượng hàng tồn kho, thận trọng trong thực hiện các dự án đầu tư, đồng thời sớm đưa ra các quy chế cũng như kiện toàn bộ máy hoạt động của đơn vị. 

 Được xem là cánh chim đầu đàn của ngành máy động lực, có những đóng góp tích cực với Ngành Công Thương, lĩnh vực công nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế, thời gian qua VEAM dù có những tăng trưởng chung đáng khích lệ nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết rốt ráo. Đặc biệt là sự việc một số lãnh đạo của doanh nghiệp qua các thời kỳ vừa vướng vào vòng lao lý được xem là sự việc đáng tiếc, đã ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của đơn vị, tâm tư của mỗi người lao động. Bởi thế, buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ là một cơ hội để cùng mổ xẻ vấn đề, đưa ra các định hướng giải quyết nhằm củng cố vững chắc cho hoạt động của doanh nghiệp.

veam ta p trung xu ly ha ng to n kho can nha c du a n da u tu hie u qua
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Công Thương với VEAM

Thông tin tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Chủ tịch HĐQT VEAM- ông Bùi Quang Chuyện cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, nhiều chỉ tiêu của Tổng công ty chưa đạt, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu sản xuất công nghiệp mới đạt 38% kế hoạch và giảm 6% so với cùng kì 2018. Tuy nhiên, nếu tính riêng các công ty con (trừ liên doanh) doanh thu vẫn tăng 1% so với cùng kì năm trước và đạt 45% kế hoạch năm. Khó khăn chủ yếu là ở sản xuất công ty mẹ khi thị trường tiêu thụ ô tô tải sụt giảm mạnh so với cùng kì năm trước. Hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh, chỉ đạt 1/3 kế hoạch năm và bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm 4 công ty gồm: DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO chiếm 89% doanh thu sản xuất công nghiệp, đạt 44% kế hoạch năm và có sự tăng trưởng chung 3%. “4/5 đơn vị có 100% vốn của VEAM gặp khó khăn (trừ Diesel Sông Công), chủ yếu là các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp”- ông Chuyện chia sẻ và cho biết nguyên nhân của thực tế này là do những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, không khai thác được năng lực đầu tư.

veam ta p trung xu ly ha ng to n kho can nha c du a n da u tu hie u qua
Ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch HĐQT VEAM thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của VEAM

Tuy nhiên, tính chung hiệu quả của toàn tổng công ty thì điểm sáng nhất là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty mẹ đã hoàn thành chỉ tiêu của cả năm, đạt 7.019 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này chủ yếu là doanh thu tài chính từ lợi nhuận, cổ tức được chia của các khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết) và tiền lãi của các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Mặc dù vậy, ông Bùi Quang Chuyện cũng đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại đang diễn ra tại công ty mẹ và một số công ty thành viên như: nhiều doanh nghiệp thành viên kinh doanh bị lỗ, không cân đối được tài chính; tiêu thụ xe ô tô tải gặp nhiều khó khăn. Quan ngại nhất trong những tồn tại hiện nay của đơn vị chính là việc tồn kho số lượng lớn xe tải, trị giá trên 1.200 tỷ đồng, trong đó còn một lượng lớn xe Euro 2. Xe Euro 4 sản xuất phải gắn liền tiêu thụ, nên việc tiêu thụ chậm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kế hoạch giá trị sản xuất và công ăn việc làm của người lao động.”- ông Chuyện lý giải.

Thông tin thêm về việc giải quyết lô xe ô tô tải tồn kho hiện nay, mà như chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là cần xem đây là vấn đề trọng tâm cần giải quyết, tránh để tồn đọng vốn, VEAM cho biết: bên cạnh việc chấn chỉnh hệ thống quản lý, tổ chức lại bộ máy quản lý, các giải pháp về bán hàng cũng sẽ được triển khai tích cực, bám sát thị trường để quyết định việc tiêu thụ.

Bàn khá chi tiết về tình hình hiện tại của VEAM, công tác tổ chức cán bộ, sự tham gia của Đảng ủy và công đoàn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã có nhiều ý kiến đóng góp, gợi mở giải quyết vấn đề. Ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp- Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm: Ngoại trừ hai liên doanh, hoạt động trong 2 năm trở lại đây của nhiều doanh nghiệp thành viên VEAM có dấu hiệu đi xuống. Vì thế, thời gian tới theo kế hoạch của VEAM là xốc lại cơ cấu hoạt động thì cần tập trung vào những dự án cụ thể, công ty cụ thể xem có phù hợp với tình hình hiện nay không để đẩy mạnh sản xuất hay có phương án khác. Nếu không hiệu quả thì không nên đầu tư tiếp.

Ông Trần Quang Huy- Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, với gần 20.000 lao động, Công đoàn VEAM có vị trí quan trọng trong hệ thống công đoàn Công Thương. Công đoàn ngành thường xuyên có những trao đổi sát sao với công đoàn doanh nghiệp; những đơn kiến nghị của người lao động đã được Công đoàn Công Thương làm việc với công đoàn cơ sở, đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như xử lý các kiến nghị theo đúng quy định.

veam ta p trung xu ly ha ng to n kho can nha c du a n da u tu hie u qua
Đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương tham gia buổi làm việc

Theo kế hoạch, mục tiêu 6 tháng cuối năm 2019, VEAM sẽ tập trung cho việc đẩy mạnh tiêu thụ lượng ô tô, máy nông nghiệp tồn kho; Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài doanh nghiệp để kinh doanh vật tư đạt mục tiêu doanh thu thương mại; Đồng thời, giải quyết các vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ đối tác liên doanh. Đặc biệt, theo quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển, Tổng công ty cùng các đơn vị thành viên sẽ tăng cường quản lý chi phí và xác định hướng sản phẩm khác bên cạnh sản phẩm động cơ, máy nông nghiệp đối với các công ty bị lỗ kéo dài như Cơ khí Trần Hưng Đạo, TAMAC. Các dự án, chương trình đầu tư đã được phê duyệt hoặc triển khai sẽ thực hiện đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí do đầu tư kéo dài. Bên cạnh đó, công ty mẹ sẽ chuẩn bị điều kiện thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, và lập kế hoạch thoái một phần vốn Nhà nước theo chỉ đạo của chủ sở hữu nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước.

Tổng kết buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mọi khó khăn của doanh nghiệp muốn giải quyết tốt cần nhất là ý thức của mỗi con người VEAM, và cần làm việc trên tinh thần vì cái chung. Những thuận lợi về lợi nhuận tổng thể của Tổng công ty là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên không vì lợi nhuận đó mà được nghĩ rằng không cần cố gắng, được phép làm lỗ những dự án đầu tư cụ thể mà cần có những giải pháp để giúp các đơn vị thành viên phát triển hiệu quả, bền vững. Từ thực tế của VEAM hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Tổng công ty xem lại vấn đề hàng tồn kho, và cần rất quyết liệt xử lý vấn đề này với các biện pháp cụ thể, thiết thực. Liên quan đến hoạt động đầu tư, doanh nghiệp cần cân nhắc, thấy hiệu quả, an toàn mới thực hiện. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý VEAM thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương; công tác quyết toán cổ phần hóa cần có báo cáo cụ thể các bước thực hiện; việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định chung. Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị VEAM sớm rà soát lại toàn bộ bộ máy tổ chức, để sớm hoàn thiện, đảm bảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Thùy Linh

 

 


Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Veam: Hội nhập và cạnh tranh (14/01/2016)
VEAM: Tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh (31/08/2018)
Áp dụng thành công Kaizen: Doanh nghiệp thu lợi lớn (22/07/2019)
VEAM - 30 NĂM ĐỔI MỚI CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
VEAM - DẤU ẤN 30 NĂM PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC (12/05/2020)
Xem tiếp