Hành trình về nguồn của VEAM đã đưa các đảng viên đến thăm quan Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Xã Tân Trào là nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa Cách mạng vào ngày 21/5/1945.
Tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Tân Trào, các đảng viên Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM đã dâng hương tại Lán Nà Lừa. Lán Nà Lừa nằm ở núi Nà Lừa được dựng bằng tre, nửa lán, nửa đất của người Nùng. Lán Nà Lừa chia làm 2 gian nhỏ, một bên là nơi Bác Hồ nằm nghỉ, một ngăn vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi tiếp khách. Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8/1945, Bác Hồ đã ở và làm việc để chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Trên hành trình về nguồn, sáng 20/12, các đại biểu đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang. Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên không chỉ là nơi yên nghỉ của hơn 1.782 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương cực Bắc Tổ quốc, từ năm 1979 đến năm 1988, (trong đó có 275 phần mộ liệt sỹ vô danh) mà còn là nơi tôn vinh, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Cũng trên hành trình về nguồn tại Hà Giang, các đảng viên đã đến làm lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, là hơi hội tụ linh khí thiêng liêng của cực Bắc, trên đỉnh cột cờ là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên Tổ quốc Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú đầu tiên xây dựng có từ cả ngàn năm trước, vào thời Lý Thường Kiệt. Khi đó, cột cờ mới chỉ được làm bằng cây sa mộc đơn giản. Tới năm 1887, thời Pháp thuộc, cột cờ được xây dựng lại, vững chắc, kiên cố hơn.
Tại Hà Giang, đoàn đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh ủy Hà Giang và có buổi nói chuyện chuyên đề với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang về lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước cũng như công cuộc phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc, nhân dân tỉnh Hà Giang qua các thời kỳ.
Phát biểu tại buổi nói chuyện, ông Nguyễn Khắc Hải - Quyền Tổng giám đốc, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Cơ quan Tổng Công ty VEAM nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định – Hoạt động này là nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang thì Hà Giang được biết đến là vùng đất biên cương, địa đầu của tổ quốc - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và có nhiều mốc son lịch sử chói lọi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc, đây chính là những “địa chỉ đỏ” quý báu trong việc giáo dục tư tưởng chính trị cho các đảng viên trong Tổng Công ty”.
“Chuyến đi này không chỉ là hoạt động sinh hoạt chính trị thực tế sinh động mà sẽ là một trải nghiệm, giúp các đảng viên hiểu đầy đủ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về con người và mảnh đất Hà Giang, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng như những đóng góp to lớn của vùng đất Hà Giang cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước”, ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT VEAM chia sẻ.
Có thể khẳng định, “Hành trình về nguồn” là dịp để các đảng viên Đảng bộ cơ quan VEAM nâng cao nhận thức về những truyền thống tốt đẹp, hiểu rõ hơn về lòng yêu nước và có thêm động lực để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bồi đắp niềm tự hào về Đảng, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Video:
https://www.youtube.com/watch?v=WtxMskJ8TMk
Hưng Nguyên - Tạp chí Công Thương.