Thực hiện kế hoạch đã được Tổng Giám đốc phê duyệt, ngày 26/8/2024 Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã phối hợp với Viện Quản trị số tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng tất yếu - Cơ hội cho các đơn vị của VEAM''.
Hội thảo diễn ra trong một buổi sáng ngày 26/8/2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các diễn giả đến từ Học viện Chính sách và Phát triển, Viện Quản trị số và các chuyên gia về chuyển đổi số của một số doanh nghiệp tư vấn.
Tham dự Hội thảo có các Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách sản suất, các cán bộ phụ trách kỹ thuật, quản đốc xưởng của các Chi nhánh (Nhà máy Ô tô VEAM, Nhà máy Đúc VEAM), các Công ty có vốn góp của VEAM (Công ty DISOCO, Công ty CK Trần Hưng Đạo, Công ty TAMAC, Công ty SVEAM, Viện Công nghệ, Công ty FUTU1, Công ty FOMECO,…) cùng một số cán bộ các Phòng/Ban của VEAM.
Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của VEAM và Viện Quản trị số. Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo, ông Lê Minh Quy, Phó Tổng Giám đốc VEAM đã nêu rõ tầm quan trọng của việc nhận thức về vai trò cũng như ý nghĩa của chuyển đổi số cho doanh nghiệp như một xu hướng tất yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất cơ khí nói riêng.
Hình 1. Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Quy phát biểu khai mạc Hội thảo
Chuyển đổi số, với bản chất là sự tích hợp công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng thị trường. Tại các nước phát triển, chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại những thành tựu vượt bậc, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.
Đối với VEAM, chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức để chuyển mình mạnh mẽ, gia tăng hiệu quả sản xuất và quản lý. VEAM, với bề dày truyền thống trong lĩnh vực sản xuất động cơ, máy nông nghiệp, ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, nơi mà công nghệ số sẽ quyết định sự thành bại trong tương lai. Hội thảo là dịp để các đơn vị trong VEAM cùng nhau trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số, đồng thời nhận diện các cơ hội và thách thức mà VEAM phải đối mặt. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về tư duy quản lý, về văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. VEAM cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, với sự tham gia tích cực của tất cả các cấp Lãnh đạo và nhân viên, đồng thời đầu tư vào đào tạo để nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Chỉ khi có sự đồng bộ giữa công nghệ và con người, quá trình chuyển đổi số mới thực sự thành công và mang lại giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Hội thảo "Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng tất yếu - Cơ hội cho các đơn vị của VEAM'' đã diễn ra với 02 nội dung chính:
Nội dung thứ nhất gồm 04 báo cáo của các diễn giả, là các chuyên gia chuyển đổi số đến từ Viện Quản trị số, Khoa kinh tế số của Học viện Chính sách và Phát triển và các doanh nghiệp tư vấn, bao gồm:
(1) Tổng quan về chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất.
(2) Xu hướng công nghệ chính trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
(3) Kinh nghiệm triển khai hệ thống ERP cho doanh nghiệp sản xuất cơ khí.
(4) Kinh nghiệm triển khai hệ thống MES và giải pháp nhà máy thông minh.
Nội dung thứ 2 của Hội thảo là phần thảo luận giữa các thành viên tham dự với các diễn giả.
Trong quá trình diễn ra Hội thảo, đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến nội dung của Hội thảo giữa các thành viên tham dự với các diễn giả. Đã có những đề xuất, kiến nghị và giải pháp được đưa ra. Tất cả đã đóng góp cho sự thành công của Hội thảo.
Hình 2. TS Đặng Xuân Thọ trình bày xu hướng công nghệ chính trong chuyển đổi số
Qua Hội thảo, các thành viên tham dự đã nhận thức được tổng quan về vai trò, ý nghĩa và mục tiêu của Chuyển đổi số, sự cần thiết của việc xây dựng lộ trình, cũng như các xu hướng công nghệ chính trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Từ đó sẽ có thể áp dụng vào tình hình và yêu cầu thực tế tại đơn vị để nâng cao hiệu quả trong quản lý sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực trong việc phát triển bền vững của các doanh nghiệp./.