Tin rằng năm 2014 VEAM sẽ tiếp tục tỏa sáng

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) chuyên sản xuất kinh doanh 3 nhóm sản phẩm chủ lực bao gồm: Máy Động lực và Máy nông nghiệp, ô tô và sản phẩm phụ trợ cho thị trường trong nước và nước ngoài. Hội đồng thành viên Tổng công ty đã phê duyệt kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2018 của toàn Tổng công ty với tổng số 8.306 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 5.995 tỷ đồng, tập trung cho lĩnh vực sản xuất động cơ, máy nông nghiệp, ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Năm 2013, toàn Tổng Công ty tiếp tục giải ngân thêm được 407 tỷ đồng từ vốn tự có của doanh nghiệp là chủ yếu. Dự án đầu tư dây chuyền gia công bán tinh trục khuỷu của DISOCO đã hoàn thành và đi vào khai thác hiệu quả. Dự án xây dựng nhà máy sắt xốp của Matexim đã hoàn thành đầu tư, vận hành toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị. Dự án di chuyển và xây mới công ty Cổ phần Nakyco đã hoàn thành việc xây dựng, di chuyển thiết bị từ nhà máy cũ lên nhà máy mới và đã đi vào hoạt động ổn định.

Năm 2013, nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, thị trường tiêu thụ máy động lực và máy nông nghiệp gặp khó khăn do sức mua giảm sút. Trong lúc đó, động cơ và máy nông nghiệp nhập ngoại chất lượng thấp và đã qua sử dụng có ưu thế cạnh tranh về giá và thuế tiếp tục gây sức ép lớn đối với sản xuất kinh doanh của VEAM. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu sản xuất công nghiệp của toàn Tổng công ty chỉ tăng hơn năm ngoái 3,7 – 5,2%. Các sản phẩm tạo dựng được thương hiệu mạnh với chất lượng cao như máy kéo Bông sen 2 bánh và 4 bánh cải tiến (BS 165, BS25-PL) của Tamac, được khách hàng tín nhiệm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, giảm được phần nào sự cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, giữ được mức tăng trưởng khá.

Nhận rõ tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, Tổng Công ty đã liên tục đầu tư vốn và nhân lực và lĩnh vực này, vì vậy năng lực và vị thế ngành gia công cơ khí chất lượng cao của VEAM đã được nâng lên (chiếm gần 39% giá trị sản xuất công nghiệp của Tổng Công ty). Các đơn vị tham gia công nghiệp hỗ trợ của VEAM đã giành được sự tin cậy của các đối tác, dù kinh tế suy thoái nhưng số lượng và giá trị đơn hàng tiếp tục tăng trong năm 2013, giá trị phụ tùng xe máy sản xuất và tiêu thụ tăng trung bình hơn 10% so với năm 2012. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường tiếp tục diễn biến không thuận lợi, các đơn vị tham gia công nghiệp hỗ trợ đối với xe máy cũng gặp nhiều khó khăn (Honda Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất trong năm 2013) khiến cho kết quả sản xuất và tiêu thụ đều không đạt được mục tiêu đã đề ra. Đối với việc cung cấp linh kiện phụ tùng liên quan tới xe máy cho các đối tác liên doanh và xuất khẩu đi nước ngoài, các đơn vị thuộc VEAM đã và đang tham gia cung cấp thùng xe và hộp số phụ cho xe tải. Phụ tùng linh kiện ô tô tăng 37,7% đối với sản xuất và 92,7% đối với tiêu thụ so với cùng kỳ 2012, mặc dù giá trị còn lại chiếm tỷ trọng khiêm tốn. VEAM cũng đã nâng cấp và cho ra mắt 4 mẫu xe ô tô được cải tiến (thùng xe và cabin) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Các mẫu xe có tải trọng trung bình dưới 5 tấn tiêu thụ tốt, các mẫu xe có tải trọng lớn hơn 5 tấn chiếm nhiều vốn lưu động còn tiêu thụ chậm và tồn kho nhiều.

Năm 2013, mặc dù nền kinh tế chưa phục hồi nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các liên doanh thuộc VEAM vẫn đạt được những kết quả rất tốt. Các liên doanh đều có doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận tăng lên so với 2012. Để đạt được những kết quả đó, các đơn vị này đã làm tốt công tác dự báo xu hướng thị trường. Đối với thị trường xe máy, Honda Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường của mình ( chiếm 63% thị phần xe máy cả nước) bằng việc cho ra các dòng xe phủ kín các dải giá bán từ thấp tới cao, áp dụng các công nghệ tiên tiến liên quan tới tiết kiệm nhiên liệu lên gần như toàn bộ các sản phẩm xe tay ga của mình và liên tục cải tiến ngoại hình sản phẩm. Đối với thị trường ô tô, Toyota vẫn là nhà sản xuất ô tô hàng đầu các liên doanh. Ford Vệt Nam và Honda Việt Nam cũng đã rất thành công khi đã nắm bắt được xu hướng thị trường là các mẫu xe nhỏ và giá bán hợp lý. Nếu như Ford Việt Nam thành công với Ford Ranger thì Honda Việt Nam lại tạo đột phá đối với thị trường ô tô bằng mẫu xe City sau nhiều năm trì trệ. Sau 6 năm hoạt động không hiệu quả, lần đầu tiên Honda đã thu được lãi từ mảng kinh doanh ô tô. Các mẫu xe phù hợp với số đông tầng lớp trung lưu thành thị giúp cho sản lượng bán hàng của Honda Việt Nam và Ford Việt Nam tăng lần lượt là 153% và 56%.

VEAM đang tập trung nguồn lực phát triển máy nông nghiệp thích ứng với nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Tổng Công ty đã thành lập nhóm nghiên cứu xúc tiến sản xuất máy kéo 4 bánh và máy cấy do Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất của VEAM làm nhóm trưởng. VEAM đang tích cực tiếp xúc với các đối tác có năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Áo để nghiên cứu sản xuất, lắp ráp máy kéo 4 bánh, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp. Riêng về máy kéo 4 bánh, máy cấy, máy gặt đập liên hợp của Iseki, VEAM hỗ trợ Iseki trong quá trình thử nghiệm. VEAM đã tiến hành thử thích ứng của máy kéo liên hợp với các thiết bị canh tác: dàn phay (Iseki); các thiết bị còn lại: dàn cầy diệp, dàn phay cải tiến, bánh lồng do VEAM đặt sản xuất trong nước. Trong quý I/2014 sẽ tiến hành thử nghiệm máy cấy tại Đồng bằng sông Hồng, máy gặt đập liên hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thúc đẩy phát triển máy động lực và máy nông nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nền nông nghiệp nước nhà, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam xin đề nghị Chính phủ giảm mức thuế xuất VAT hiện nay xuống 0% đối với các sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp, cụ thể đối với nhóm sản phẩm động cơ nhỏ từ 30HP trở xuống, máy cày, máy xay xát công suất từ 2 tấn/giờ trở xuống. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp cho các Doanh nghiệp Cơ khí Nông nghiệp từ 25% hiện nay xuống 15%. Đề nghị Nhà nước nhanh chóng xây dựng các hàng rào kỹ thuật (TBT), quy định chi tiết các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp nhập khẩu nhằm ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng xâm nhập vào Việt Nam cũng như làm động lực cho các nhà sản xuất trong nước tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.

Tin: Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hoá (17/08/2010)
VEAM Ra mắt xe tải Maz lần đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam (16/08/2010)
Hội nghị công tác Bảo hộ lao động VEAM (21/10/2011)
Đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước dự án sản xuất thử nghiệm máy kéo 4 bánh lắp động cơ 1 xi lanh KC.07DA06/06-10 (14/09/2011)
Hội thảo các Công đoàn liên doanh thuộc VEAM (05/09/2011)
Xem tiếp