VEAM: Tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) xác định sẽ tập trung phát triển vào 3 trụ cột đó là động cơ - máy nông nghiệp, ôtô - xe máy và công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh.
 
Ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM- cho biết, năm 2017 - 2018, sản xuất ôtô và sản xuất máy nông nghiệp của VEAM gặp một số khó khăn. Cụ thể, các sản phẩm máy nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với sản phẩm nhập khẩu. Các sản phẩm chế tạo trong nước không được khấu trừ các chi phí đầu vào nên bị bất lợi về giá vốn trung bình 7% so với sản phẩm nhập khẩu. Thị trường ôtô tải có nhiều biến động do áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro4 cho tất cả các loại xe ôtô dùng động cơ diesel từ ngày 1/1/2018 và quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng nên tổng thị trường tiêu thụ giảm 10%, riêng xe lắp ráp trong nước giảm 15% so với năm 2016.
 
 
Đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa
 
"Trong bối cảnh đó, để nâng cao sức cạnh tranh, bên cạnh mở rộng thị trường, VEAM tập trung nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động công ty mẹ - công ty con. Đồng thời, đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, áp dụng các sáng kiến đổi mới kỹ thuật trong sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, sử dụng ít nhân công, sử dụng nhân lực chất lượng cao" - ông Bùi Quang Chuyện chia sẻ.
 
Điển hình là tại Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo - công ty con của VEAM, năm 2017 Đề tài "Nâng cao chất lượng và cải tiến kiểu dáng các loại động cơ diesel phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu" và Đề tài "Nâng cao chất lượng và cải tiến kiểu dáng 07 loại diesel thùng nước" đã được nghiệm thu. Theo đó, công ty đã cải tiến 14 loại động cơ có kiểu dáng mới, chất lượng cao hơn, mẫu mã hiện đại và đẹp hơn so với động cơ Trung Quốc. Các động cơ cũng tiện dụng hơn, có thể sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Các đơn vị khác như: TAMAC, SVEAM, DISOCO, FUTU1… cũng có nhiều đề tài nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
 
Một thành công nữa trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đó là VEAM đã khuyến khích, hỗ trợ các công cụ, giám sát việc thực hiện các công cụ cải tiến năng suất theo phương pháp Nhật Bản (5S, Kaizen) tại các công ty con. Hoạt động này đã trở thành công cụ hữu hiệu đảm bảo an toàn, hiệu quả nơi làm việc, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng ở tất cả các doanh nghiệp.
 
Sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh và nâng cao hoạt động quản trị doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt trong công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Do vậy, tổng công ty luôn coi đây là "chìa khóa" để hướng tới sự thành công của doanh nghiệp cũng như đáp ứng mục tiêu mà đại hội cổ đông đặt ra, mang lại lợi nhuận cao nhất cho các cổ đông và nhà đầu tư.
 
Để nâng cao sức cạnh tranh, bên cạnh mở rộng thị trường, VEAM tập trung nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động công ty mẹ - công ty con.

Nguồn: Báo Công thương điện tử.
http://congthuong.vn/veam-toi-uu-hoa-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-107425.html.
 
Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Tổng công ty VEAM ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với VPBank (13/01/2016)
Veam: Hội nhập và cạnh tranh (14/01/2016)
VEAM hướng tới mục tiêu tăng trưởng tốt hơn sau cổ phần hóa (26/01/2018)
Thái Thụy tổ chức Hội nghị bổ khuyết sản xuất nông nghiệp (03/07/2014)
Hội thảo “Giới thiệu trình diễn máy kéo Bông Sen” tại Đắk Lắk (3/12/2013) (13/01/2014)
Xem tiếp