VEAM hướng tới mục tiêu tăng trưởng tốt hơn sau cổ phần hóa

Ngày 24/1, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Ông Ngô Văn Tuyển- Phó tổng giám đốc VEAM  báo cáo kết quả kinh doanh tại Hội nghị

Tăng trưởng ổn định

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Văn Tuyển- Phó tổng giám đốc VEAM cho biết, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song VEAM đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng doanh thu của VEAM là 2.813 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm, bằng 96% so với năm 2016.

Cũng theo ông Tuyển, VEAM chính thức chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần được một năm (24/1/2017) tuy vậy năm 2017, VEAM vẫn hoàn thành tốt mục tiêu lợi nhuận, nhưng không đạt được mục tiêu doanh thu sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt với mảng sản xuất ô tô, năm 2017, Nhà máy ô tô VEAM phải điều chỉnh kế hoạch (giá trị sản xuất 1.717 tỷ đồng, doanh thu 1.859 tỷ đồng, sản xuất 3.803 chiếc xe, xe tiêu thụ 4.088 chiếc) để đảm bảo sản phẩm hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm số xe có tiêu chuẩn khí thải Euro2 trước ngày 31/12/2017. Vì vậy Nhà máy ô tô VEAM không có sự tăng trưởng doanh thu so với năm 2016 dẫn đến công ty mẹ cũng không đạt được mức tăng trưởng như năm trước. Lợi nhuận của Nhà máy ô tô VEAM2017 đạt 42 tỷ đồng, chưa tính kết quả trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (tồn kho tương đương 5.398 xe, trong đó có một lượng lớn tồn kho theo kế hoạch tiêu thụ năm 2018 và 115 bộ linh kiện xe Euro 4).

Tuy vậy, đối với các công ty con của VEAM đều có kết quả chung về giá trị sản xuất và doanh thu tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như Công ty Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) có kết quả tăng trưởng rất cao, doanh thu tăng 110 tỷ đồng so với năm 2016, lợi nhuận đạt tốt hơn nhiều năm trước. Uy tín, thương hiệu FOMECO đã được khẳng định, đặc biệt với các khách hàng Nhật Bản. Nhiều khách hàng và thị trường mới của công ty đã được mở ra như Tanaka, Iko, Aida, Indnexia, Malaixia…

Hay như Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) cũng có doanh thu lớn về sản xuất công nghiệp, nên phần tăng trưởng về doanh thu còn lớn hơn cả doanh thu cả năm của một số công ty khác. Phụ tùng xe máy của Công ty chiếm tới 80% doanh thu  sản xuất coogn nghiệp. Hiện FUTU1 có chỉ số lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu năm 2016 tốt nhất trong số các công ty cổ phần và vẫn giữ được mức lợi nhuận khá tốt năm 2017.

Khen thưởng một số tập thể, cá nhân đạt thành tích cao năm 2017

Năm 2018- phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh

Đặt mục tiêu cho năm 2018, ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM cho biết, bước sang năm 2018 được coi là năm bản lề, công ty mẹ đã bước đầu ổn định với mô hình hoạt động của công ty cổ phần. Theo đó, các kế hoạch thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán đòi hỏi công ty có sự năng động hơn.

Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp tục ổn định tăng trưởng. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp đòi hỏi phải được xem xét và đánh giá lại toàn diện về khả năng cạnh tranh về các mục tiêu đầu tư nếu không thị phần có thể bị thu hẹp, hiệu quả ngày càng thấp. “Sản xuất ô tô khó khăn bắt đầu sản xuất với sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4 của Nhà máy ô tô VEAM không có đối tác song hành về sản phẩm. Các liên doanh sản xuất ô tô gặp khó khăn về chính sách nhập khẩu (Nghị định 116/2017/NĐ-CP) ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của VEAM trong năm 2018”, ông Bùi Quang Chuyện chia sẻ.

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị đưa ra các mục tiêu phát triển kinh doanh năm 2018.

Cũng theo ông Chuyện, việc sắp xếp lại công ty con và liên kết cũng cần được tính toán kịp thời. Những công ty con đầu tư vốn không hiệu quả sẽ phải sắp xếp lại thông qua 3 hình thức: Thoái vốn, tăng cường giám sát đặc biệt và các giải pháp khác như sát nhập, giải thế. “Chứ không nên để các công ty rơi vào tình trạng khó khăn mãi. Mục tiêu đặt ra đối với các công ty phải tăng trưởng tốt hơn, tái cơ cấu sắp xếp lại hệ thống. Các công ty trước đây chỉ sản xuất máy nông nghiệp phải sản xuất thêm sản phẩm khác để hỗ trợ lẫn nhau cũng phát triển”, ông Chuyện lưu ý.

Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế tạo, gia công các chi tiết, các cụm chi tiết đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp nói chung và ngành máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam nói riêng, nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ mà trước mắt phục vụ cho sản xuất xe máy, ô tô và các máy nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, tiếp tục tăng trưởng về doanh thu, hướng tới lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng gấp 1,5 lần so với hiện nay. VEAM kỳ vọng sau khi cổ phần hóa sẽ có thêm những nhà đầu tư mới, giúp VEAM tăng năng lực tài chính cũng như năng lực về quản trị và hàm lượng công nghệ sẽ hiện đại hơn, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. 

 


Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Tổng công ty VEAM ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với VPBank (13/01/2016)
Veam: Hội nhập và cạnh tranh (14/01/2016)
VEAM: Tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh (31/08/2018)
Thái Thụy tổ chức Hội nghị bổ khuyết sản xuất nông nghiệp (03/07/2014)
Hội thảo “Giới thiệu trình diễn máy kéo Bông Sen” tại Đắk Lắk (3/12/2013) (13/01/2014)
Xem tiếp